
Bà Thái Hương đã khiến tôi thay đổi ba quan điểm, mà tôi cho là quan trọng đối với cuộc đời mình: Sống, phải có khát vọng, thậm chí là khát vọng lớn để đổi thay quê hương, đất nước, nhưng khát vọng gì thì suy cho cùng cũng là sự cho đi…Và điều quan trọng nhất, sống, là phải tử tế. Tử tế là phương thức duy nhất để đi thật xa- go global.Bà vừa được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đối mới. Đó là vinh danh tất yếu cho nữ doanh nhân cháy hết mình vì sức khỏe cộng đồng. |
5 lý do hun đúc nên 1 doanh nhân
Hơn 10 năm trước, rất nhiều người trong giới nông nghiệp, tài chính ngân hàng thấy bà điên rồ. Bởi họ không tin dự án trang trại 1,2 tỷ USD tại Nghệ An có thể tồn tại, chứ chưa nói đến việc có lãi.
Năm năm trước, trang trại của bà được Tổ chức Kỷ lục châu Á vinh danh “Cụm trang trại bò sữa lớn nhất châu Á”, với đàn bò 45 nghìn con, trong đó 22 nghìn con đang cho sữa và khu chăn nuôi, sản xuất, chế biến liên hoàn trên 8.100ha (trong tổng số 37.000ha của toàn dự án). Khi đó, người ta mới bắt đầu đặt ra câu hỏi: Tại sao người phụ nữ “điên dồ” ấy lại thành công được trong lĩnh vực gai góc như thế?
Và đến năm 2019, nhiều người lại tỏ ra băn khoăn, vì sao TH lớn nhanh đến như vậy? Vì sao khắp các kệ hàng, siêu thị và trong tủ lạnh của mọi nhà, đâu đâu cũng có sản phẩm của TH? Và gắn với đó là những giả thuyết chẳng mấy hay ho gì, kiểu như: Chắc là có ai đó chống lưng.

Suy nghĩ ấy nhanh chóng bị gạt bỏ khi chúng tôi có dịp ngồi nói chuyện với TS. Trần Đình Thiên. Không phải bởi ông Thiên là đồng hương với bà Thái Hương. Càng không phải bởi hai người cùng là thành viên hoạt động trong tổ tư vấn của tỉnh Nghệ An. Lý do đơn giản hơn rất nhiều, TS. Trần Đình Thiên chưa bao giờ ngại khen hay chê một ai, nhưng khi đưa ra một nhận định, phải có cơ sở vững chắc, mà như ông vẫn thường hay nói: “Tôi không biết nhiều về chuyện kinh doanh của họ, nhưng tôi nhìn những việc họ làm, tôi thấy được những khát khao cống hiến và dáng dấp của những doanh nhân dân tộc điển hình. Họ là những người tiên phong đổi mới – sáng tạo, đi đầu trong cạnh tranh quốc tế, tạo thương hiệu quốc gia và danh tiếng quốc tế cho sản phẩm Việt, cho đất nước Việt Nam. Và bản thân họ trở thành niềm tự hào của Việt Nam trên vũ đài quốc tế. Nói cách khác, họ chính là những người định vị nên những tọa độ hội tụ sức mạnh quốc gia cho Việt Nam trên bản đồ quốc tế”.
Tôi hiểu rằng, ông Thiên đang muốn nói tới những doanh nhân dân tộc điển hình của Việt Nam. Và ngay lập tức, ông bất ngờ rẽ ngang câu chuyện để bàn sâu hơn về trường hợp người phụ nữ “cháy lên từ đất” Thái Hương – hai trong ba nhân vật TS. Trần Đình Thiên lựa chọn để cùng chúng tôi cung cấp một góc nhìn có ý nghĩa về những doanh nhân điển hình của Việt Nam. Ông Thiên không ngần ngại gọi con đường TH đang đi là hành trình tìm ra được chiếc chìa khóa vàng để phá vỡ quan điểm nông nghiệp gắn với sự chật chội và đói nghèo, như một ví dụ điển hình của sự bộc khởi lạ thường: Cách chọn đất – nông nghiệp để làm giàu của bà Thái Hương đúng là chọn đối tượng khó nhằn nhất để khởi nghiệp.

Dù nền nông nghiệp Việt Nam đã có nhiều biến chuyển, song những rủi ro khi kinh doanh nông nghiệp vẫn chình ình ra đấy, nhất là khi nền tảng của việc kinh doanh đó vẫn còn gắn chặt với nền kinh tế tiểu nông, với người nông dân còn đậm đặc chất tiểu nông “truyền thống”.
Vậy tại sao bà Thái Hương lại “dở hơi”, lại khác người đến như vậy? TS. Trần Đình Thiên đã chỉ ra năm lý do quan trọng:
- Trước hết, dường như bà Thái Hương “mắc nợ” điều gì đó với nông dân, với một vùng đất nghèo, nghèo đến tận cùng sỏi đá, nắng rát cháy da.
- Thứ hai, bà Thái Hương có khí chất (temperament) quả cảm và can trường, mạnh mẽ “đốt cháy” mình cho cái được chọn, không sợ khó, có khả năng “thổi lửa” vào người khác, lôi kéo họ “chia lửa” với mình.
- Thứ ba, bà Thái Hương có tầm nhìn thời đại, tiên phong và vượt trội, có tài “đánh mượn sức”, góp phần thay đổi căn bản phương thức sản xuất trong nông nghiệp.
- Thứ tư, bà Thái Hương có năng lực nhìn ra cơ hội làm ăn lớn và biết tận dụng nó.
- Và điều đặc biệt nhất, vị chuyên gia vừa nhận định, vừa tâm đắc: “Theo tôi, không thể cải tiến logic cũ được mà phải có logic khác thường để làm nông nghiệp trong thế giới hiện đại. Bà Thái Hương trên nền nông nghiệp Việt Nam truyền thống, lạc hậu, kém phát triển đã chọn cách tiếp cận vươn lên công nghệ cao nhất, tức là không theo logic cũ.
Chọn cái khó nhất để chạm tới thành công đỉnh cao nhất

Sự thành công này trên thế giới không có nhiều, và ở Việt Nam thì đó là cách tiếp cận có giá trị, thật sự ý nghĩa, khi vượt qua được tư duy truyền thống để xác lập nên một trò chơi khác mà lại từ nông nghiệp. Đó cũng là lý do khiến bản thân bà Thái Hương phải đương đầu với những điều tiếng nhưng đều vượt qua được bằng cách tiếp cận đúng công nghệ đầu cuối hiện đại nhất của thế giới, với dây chuyền tự động hóa, đồng bộ, khép kín của Israel. Đặc biệt, bà Thái Hương chọn cách làm ở vùng đất nghèo – gió Lào nắng cháy có thể nói là khó nhất của Nghệ An”.
Không những lý giải thuyết phục cho sự thành công của TH, mà TS. Trần Đình Thiên còn đưa ra một nhận định có ý nghĩa hơn rất nhiều: “Khi bà Thái Hương chọn chỗ kém phát triển như vậy để áp dụng công nghệ cao nhất đã rút ra được một kết luận thật sự quan trọng: Hóa ra những gì bất lợi cho nông nghiệp truyền thống nếu được giải quyết bằng công nghệ cao thì sẽ thành lợi thế.
Bản chất của trò chơi là chúng ta đang đi sau, do logic truyền thống đã trói chặt lại, vì vậy muốn vượt lên thì phải thoát hẳn logic truyền thống ấy. Và những doanh nghiệp, địa phương nào vượt lên đều đã theo hướng đó. Ví dụ như Ninh Thuận, những kết quả ban đầu thật sự đáng quý khi xứ nóng chỉ có dê, cừu, cồn cát nhưng đã làm được điều không ngờ. Hay Sơn La, Quảng Bình, Quảng Trị cũng đang thấm cách làm này, biến những bất lợi thế truyền thống thành cái hiện đại dựa vào công nghệ cao và toàn cầu hóa”.

Khi đến thăm dự án của tập đoàn TH tại Liên bang Nga, Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước đã khẳng định, ngoài ý nghĩa về mặt kinh tế, dự án còn có ý nghĩa chính trị quan trọng, làm phong phú thêm hợp tác giữa Việt Nam và Nga.
Còn dưới góc nhìn của một nhà kinh tế, ông Trần Đình Thiên gọi cách đầu tư vào Nga của bà Thái Hương trước tiên vì mục tiêu lợi nhuận, nhưng không chỉ dừng lại ở đó:
“Bà Thái Hương đề xuất đầu tư vào Nga đề làm sữa đẳng cấp cao đúng lúc quốc gia này gặp khó khăn, cấm vận về thực phẩm. Nước Nga có những lợi thế tiềm năng nông nghiệp mà lại thiếu một doanh nhân như bà Thái Hương. Bà đã mang vốn, tầm nhìn, công nghệ tiến thẳng vào nước Nga và góp phần giải quyết vấn đề sữa cho nước Nga. Theo nghĩa đó, Thái Hương là người đọc được thời cơ rất giỏi, nhưng nếu chỉ nhìn như vậy thì cũng chỉ là câu chuyện cá nhân. Khi làm việc đó thì bà Thái Hương là người Việt Nam, mà nước Nga rất yêu quý Việt Nam, cũng như người Việt Nam rất yêu nước Nga. Vì vậy, khi bà Thái Hương đề xuất là người ta tin được. Nhưng nếu chỉ nói đến Thái Hương thôi là không đủ, mà phải có nền tảng Việt – Nga từ trước. Điều đáng quý chính là sự gắn kết và tiếp nối truyền thống đó của bà Thái Hương”.

Hàm ý của TS. Trần Đình Thiên có nghĩa là: Câu chuyện bà Thái Hương đầu tư sang Nga không phải vấn đề kinh doanh đơn thuần hay mối quan hệ Việt – Nga, mà nên đúc rút bài học từ mối quan hệ Việt Nam với thế giới, để hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân đầu tư đúng cách, tạo điều kiện để hỗ trợ họ nhận biết và tranh thủ được thời cơ, đừng cản trở.
Lý do ư? Như cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu từng nhận xét, Việt Nam vẫn đang bỏ phí hai nguồn tài nguyên lớn nhất – con người và cơ hội. Muốn có tàu lớn ra khơi thì phải có biển lớn. Những giấc mơ vươn khơi sẽ mắc cạn trong cái ao làng về tư duy và cơ chế.
Bởi lẽ, chính cách làm mạnh dạn, quả cảm và sáng tạo của bà Thái Hương đã mở đường và tạo động lực mạnh cho làn sóng đổi mới kinh doanh của Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp và chế biến nông sản công nghệ cao. Chưa bao giờ, con đường mà TH đã góp công khai mở khiến nhiều người quan tâm và “bắt chước” như thế. “Con đường” theo nghĩa không dừng lại ở Israel, cũng không giới hạn chỉ trong nông nghiệp.
Cũng bởi lẽ, như cách làm và khát vọng của bà Thái Hương, không chỉ đầu tư sang nước Nga mà còn bán hàng cho Trung Quốc, để khẳng định thương hiệu của Việt Nam chói sáng trên toàn cầu. Nhiều sản phẩm của bà Thái Hương không chỉ bán ở Việt Nam đầu tiên, mà là làm và bán ở Mỹ, có chứng nhận về chất lượng, đẳng cấp và có giải thưởng lớn mang về Việt Nam.
“Những âm vang đầu tư vào nước Nga của TH mở ra cơ hội cho nhiều doanh nghiệp khác”, TS. Trần Đình Thiên khẳng định. Và trước những bước đi thần tốc, làm nên thành công ở nước Nga của bà Thái Hương, đã khiến ông Putin – người đàn ông được mệnh danh quyền lực hàng đầu thế giới đã thốt lên: Đó là nhà đầu tư nông nghiệp Việt Nam đã dũng cảm đầu tư vào vùng Viễn đông. Chúng ta hãy khen ngợi họ bằng Huân chương Hữu nghị, đó là một doanh nhân tài ba.
Ông Thiên gọi đó là cách nhận xét “chưa bằng người khác nhận xét về Thái Hương”, nhưng ở tầm nguyên thủ quốc gia mà nhận xét như vậy thì cực kỳ đáng quý. Ở Việt Nam, cách bà Thái Hương đi ra nước ngoài mà lại còn là người phụ nữ đầu tư vào nông nghiệp lại càng có ý nghĩa hơn:
“Bà Thái Hương là người phụ nữ “go global” – “đi ra toàn cầu”. Những doanh nhân Việt Nam có tư tưởng này rất ít, không mạnh. Nếu đi ra Lào, Campuchia thì có, nhưng khí phách để đi ra đối chọi với những ông lớn mạnh nhất, tại những nước phát triển nhất thì TH là ví dụ điển hình. Từ câu chuyện Thái Hương “go global”, tôi nghĩ, dù ở lĩnh vực nào đi chăng nữa, Việt Nam cũng đủ năng lực để dẫn đầu, tại sao không?”.


Trước khi bà Thái Hương được phong Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, tôi và tiến sĩ Nguyễn Xuân Nghĩa có dịp gặp bà tại phòng làm việc trên tầng cao tòa nhà 60 Lý Thái Tổ. Cây si trước cửa sổ xanh sẫm và chốc chốc lại có một chú chim nhỏ về đậu. Căn phòng nhiều tranh đến mức tôi tưởng đang lạc vào triển lãm tranh. Có một cô gái nhỏ đạp xe đạp trong tà áo trắng lao vù vù trong buổi chiều lộng gió. Có hoa, có cây, có nước. Và xếp chồng chồng lớp lớp sách kinh Phật. Họ chưa gặp nhau trực tiếp bao giờ, nhưng khi vừa mới chạm mặt, người hỏi, người đáp như đã quá đỗi thân quen. Và hình ảnh của nữ doanh nhân anh hùng hiện ra giản dị, chân thành. |
– Tôi nghe nói đâu đó, vẫn có những doanh nghiệp làm sữa mà chưa có đặt cái tâm lên trên hết. Là người trong cuộc, chị có thấy thế không?
– Một sản phẩm nào đó thì người trong ngành mới hiểu nổi mà người trong ngành giờ còn rắp tâm làm như vậy thì người ngoài làm sao hiểu được. Thành ra như một cái chợ đánh nhau tùm lum anh ạ.
Dần dần, tôi nhận ra có những người vô cảm và những người tham tiền, dẫn tới việc cứ lơ mơ thế này.
Cuối cùng, tôi nhận ra chỉ có một cách là trang bị cho người tiêu dùng những tri thức để họ tự loại dần những sản phẩm không tốt cho sức khỏe, chứ mình không thể ngày một, ngày hai loại ngay lập tức, người trong cuộc không thể làm nổi.
– Thị trường còn rộng lớn, ta chỉ cần làm tốt thôi thì lo gì không có thị phần.
– Tôi trách hệ thống chính sách của mình chưa đồng bộ dẫn tới thị trường sữa chưa minh bạch. Tại sao lại có sữa bột? Bản chất là khi chưa có công nghệ chăn nuôi thì bò sữa chỉ sống được ở vùng ôn đới thôi, xứ nóng không sống được. Vì thế, các nhà khoa học mới nghiên cứu cách để vận chuyển sữa tới các vùng khác nhau bởi đây là thực phẩm cần thiết, trong sữa có 28 vi lượng, vi chất tốt cho sức khoẻ. Nhưng nếu vận chuyển sữa tươi thì chi phí quá đắt nên họ nghĩ ra cách dùng nhiệt cô đặc lại thành sữa bột để vận chuyển cho dễ. Nhưng cô đặc lại sẽ mất đi những chất không chịu được nhiệt. Vận chuyển tới những nơi bán, họ dùng sữa bột đó pha lại thành sữa nước, gia nhiệt thêm 1 lần nữa để thanh trùng, tiệt trùng.
Vì thế, bản chất sữa tươi vẫn là tốt nhất (nhưng phải là sữa tươi đúng quy chuẩn) và sữa bột tốt thứ hai. Nhưng sữa bột không tốt ở chỗ nào?
Một thời gian dài, nhiều doanh nghiệp tách các chất béo sữa ra làm phô mai và bơ, còn lại chỉ là xác sữa dùng làm nước giải khát hay thực phẩm khác có mùi thơm của sữa. Nó không độc nhưng không tốt như ta tưởng nữa. Giá trị của nó chỉ hai hào, ba hào chứ không phải là một đồng nữa.
Thực ra, đa phần sữa bột không có hại mà không tốt như ta tưởng. Nhưng giá trị không đúng như quảng cáo thì tức là lừa đảo rồi đó.
Làm sữa bột pha lại thì có lãi ngay, nhưng tôi không làm mà chọn con đường đầu tư dài hạn là chăn nuôi bò sữa, chế biến sữa tươi sạch cho người tiêu dùng. Tới giờ, tôi tự hào thấy người tiêu dùng đã có “lãi” là được sử dụng sản phẩm sữa tươi tốt nhất từ đồng đất quê mình.

– Vậy còn sự lẫn lộn kia giải quyết bằng cách nào?
– Theo tôi, cách tốt nhất để giúp người dân là ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia đúng thông lệ quốc tế. Anh chế biến sữa nước từ sữa bột pha lại cũng được, sữa tươi cũng được, nhưng phải ghi rõ thành phần nguyên liệu trong đó. Hiện nay vẫn nhập nhèm gọi sản phẩm sữa bột pha lại bằng khái niệm “sữa tiệt trùng”. Và sản phẩm nhập từ ngày nào, tháng nào? Sản xuất ngày nào, tháng nào phải ghi cho đúng.
Do chúng ta không quyết tâm làm thôi, nếu quyết tâm làm thì sẽ làm được. Nhưng C. Mác nói rồi, lợi nhuận 300% thì có treo cổ người ta cũng làm.
Tôi đã đấu tranh cho vấn đề minh bạch khái niệm sữa gần 10 năm qua và sẽ tiếp tục thực hiện trong thời gian tới vì vấn đề giống nòi, sức khỏe của người Việt.

– Cũng chính vì thế nên chị khởi xướng Chương trình Sữa học đường?
– Phải chọn đối tượng quan trọng và thiết yếu nhất là trẻ em để cải thiện tầm vóc, thể lực. Tôi chỉ mong muốn làm thế nào để dân tộc khỏe mạnh. Bởi sức khỏe của người dân là sức mạnh của quốc gia. Đâu đó trên thế giới người ta nói rằng, một bịch sữa là chấn hưng một dân tộc (tượng trưng cho bịch sữa là dinh dưỡng). Vì vậy, ta phải làm cho dinh dưỡng người Việt Nam thật tốt.
Tôi có mời các chuyên gia dinh dưỡng người Nhật sang Việt Nam, họ nói rằng Nhật Bản có Luật Bữa ăn học đường. Đất nước Nhật Bản ngay sau khi kết thúc chiến tranh, đứng trước muôn vàn khó khăn, nhưng với tầm nhìn xa về nguồn lực cho đất nước, họ đã ban hành ngay Luật Bữa ăn học đường và Chương trình Sữa học đường. Chỉ sau mấy chục năm đã không còn hình ảnh người Nhật thấp bé mà hay gọi là “Nhật lùn”, khi mà chiều cao trung bình của nam thanh niên Nhật Bản hiện nay đã lên đến mức 171,5cm.
Năm 2005, Nhật Bản tiếp tục ban hành Luật cơ bản về giáo dục dinh dưỡng, đề cập đến đến trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc nâng cao hiểu biết người dân về tầm quan trọng của chế độ dinh dưỡng.
Nhất định bằng mọi cách phải ra được Luật cho dinh dưỡng học đường, dinh dưỡng cho người Việt để thực sự kiểm soát vẫn đề an toàn thực phẩm. Khi ban hành luật, sẽ liên quan đến sự sống còn của doanh nghiệp, chứ còn phạt hành chính vi phạm thì phạt xong rồi thôi, tiền lời vẫn có nhiều.

Sinh ra giám sát, kiểm soát thì cần xây dựng thành luật, cần có chế tài để các doanh nghiệp làm ra những sản phẩm tốt nhất cho cộng đồng. Nếu không thì thị trường sẽ nhập nhèm, lẫn lộn tốt xấu, bởi vì mỗi doanh nhân có bản ngã khác nhau. Với tôi, bản ngã của tôi là khi tôi làm tốt, tôi hạnh phúc. Còn với họ, khi họ nhiều tiền, họ hạnh phúc.
Tôi năm nay đã 62 tuổi, có thiếu chi nữa mà cứ đi đêm, đi hôm vất vả thế này?
Tôi muốn vừa được gia đình, vừa được sự nghiệp thì cứ 2, 3 giờ sáng, tôi rời Hà Nội, 5, 7 giờ sáng đến Nghĩa Đàn và bắt đầu công việc mới. Đó là bản ngã của tôi. Những người khác nằm ngủ mà vẫn ra tiền, đó là bản ngã của họ.
– Nhiều khi tôi thấy chị hiền quá! Nhưng tôi cũng thấy chị có một quyền lực đặc biệt, mà không phải ai cũng có, người ta mệnh danh là quyền lực mềm (soft power)! “Cha đẻ” của khái niệm này là Joseph Nye Jr., Giáo sư Đại học Havard. Ông cho rằng, quyền lực mềm là một loại năng lực, có thể giúp đạt được mục đích thông qua sức hấp dẫn (attraction) và thuyết phục (persuation). Sức hấp dẫn này đến từ quan điểm và giá trị, từ văn hóa và cách ứng xử của chị. Nó cũng gần với quan niệm của phương Đông: “Dĩ đức phục nhân” (lấy nhân đức để thu phục người).
– Tôi là người rất kiên định, luôn bảo vệ quan điểm của mình đến cùng, tất nhiên không cực đoan. Nhưng trong cuộc sống hằng ngày, tôi hay nhường nhịn, nhường nhịn đến cùng.
Tôi theo con đường Phật pháp nên tuyệt đối không nói xấu ai và càng không “đánh” ai. Tôi cũng truyền thông tới nhân viên, tuyệt đối không được nói xấu các hãng sữa khác mà mình chỉ chuyên tâm làm việc, cho nên tôi và mọi người trong tập đoàn đều cảm thấy rất hạnh phúc. Lương không nhiều nhưng họ vẫn rất hạnh phúc vì họ góp phần tạo ra sản phẩm tốt.
Tôi phấn đấu để mỗi người dân khi vào siêu thị, chỉ đắn đo lựa chọn mùi vị phù hợp thôi, chứ còn sản phẩm nào của TH cũng không cần phải đắn đo về chất lượng nữa. Tôi chỉ mong muốn mọi người sống bình tĩnh hơn và phải có lý tưởng sống, góp phần tạo ra những điều tốt hằng ngày.
Trước đây có sự hoài nghi khi tôi làm sữa, vì tôi đã làm một cuộc cách mạng trong ngành sữa, mà đã cách mạng thì phải có cái mới, cái chưa ai tưởng tượng đến, đó là đưa bò sữa về nuôi ở vùng đất mà chẳng ai nghĩ có thể làm được.
– Quan trọng nhất là người ta đi trước thì có chính sách gì cho họ thôi. Tôi thấy điều này đúng nhưng Việt Nam mình chưa làm tốt?

– Con người ta sinh ra phải tự tin và có khát vọng. Sống không có ước mơ là sống vô cảm nhất. Sống phải có ước mơ, hoài bão, khát vọng để cống hiến. Có khát vọng thành công, có khát vọng cống hiến thì sẽ làm được nhiều điều tốt đẹp. Doanh nghiệp phải có khát vọng làm giàu của doanh nghiệp. Doanh nhân phải có khát vọng của doanh nhân. Không có tinh thần doanh nghiệp, không có văn hóa doanh nhân là không thể đàng hoàng được đâu. Trong khi đất nước ta chưa bị tẩy chay hàng hóa, khi vẫn còn rất uy tín thì phải giữ uy tín đấy chứ.
Tôi muốn đề xuất đưa ra bộ chính sách cho những doanh nhân đặc biệt, cho các doanh nghiệp đặc biệt, để họ lôi kéo cả xã hội đi lên, tìm ra mô hình để tôn vinh họ. Không ai đưa nông dân Việt Nam đi lên được ngoài doanh nghiệp. Trong nông nghiệp, đừng nghĩ chủ thể là người nông dân mà đối tượng chính vẫn là doanh nhân đủ ba yếu tố “Tâm – Trí – Lực”.
– Khát vọng của chị là gì?
– Tôi đi sang Nga, sang Úc, dù vẫn tiếp tục đầu tư trên đất nước Việt Nam, là cách đi đúng đắn nhất của tôi.
Cần phải có chính sách cho doanh nhân vượt rào ra nước ngoài (họ phải làm thật) để khích lệ họ mang lại thương hiệu cho quốc gia. Tôi chọn những nước phát triển, chứ không phải các nước nghèo để đầu tư. Như tại Úc, tôi triển khai dự án quy mô lớn tại một thị trấn trên 10 ngàn dân, để đưa thêm lao động sang, đó là cách dãn dân hợp lý.
Khi tôi mua trang trại 1,1 triệu héc-ta đất thì lọt top 25 trong 50 doanh nghiệp có sở hữu lượng đất lớn nhất thế giới. Có doanh nghiệp cũng mua, nhưng do không có kinh nghiệm làm nông nghiệp nên mua phải nơi thiếu nước. Chỗ tôi mua có 3 dòng sông chảy qua, có hồ quốc gia rộng 63 nghìn héc-ta nằm kề đó nên luôn luôn đủ nước.
Mà hôm nay anh em được nói chuyện khởi lòng rồi đó… Anh thông thái nên phải góp phần kiến nghị chính sách cho đất nước.
– Tốt quá, thật tuyệt vời. Nước gạo ngọt thanh và nước hoa quả thật dịu mát.
– Khắp thế giới giờ đâu đâu cũng bệnh tim mạch, tiểu đường, béo phì. Tôi đưa ra các bộ sản phẩm không dùng đường mà nguyên chất từ các loại quả tự nhiên.


– Tại sao tôi chưa thấy bà xã mua về uống nhỉ?
– Đó là một thiếu sót đó anh. Giờ anh ra siêu thị, các cửa hàng tạp hóa có hết cả rồi.
Tôi đang nghĩ tới chuyện, phải tư duy thế nào để thổi bùng lên khát vọng và văn hóa doanh nhân anh ạ.
Từ hơn mười năm trước, tôi đã xác định công nghệ cao là chìa khóa vàng cho phát triển nông nghiệp. Với đầu tư bài bản, áp dụng công nghệ tiên tiến, “đi trước, đón đầu”, TH đã góp phần thay đổi căn bản phương thức sản xuất trong nông nghiệp. Sau thời gian đầu đặt nền móng cho nền nông nghiệp hiện đại, năng suất, chất lượng, TH tiếp bước con đường phát triển bền vững là xây dựng một hệ sinh thái tiêu dùng sạch, một hệ sinh thái sản xuất nông nghiệp hữu cơ bền vững nhằm tạo sự công bằng, văn minh trong sản xuất hàng hóa.
Làm gì tôi cũng nghĩ đến ba thành tố hòa quyện với nhau: Tài nguyên thiên nhiên Việt, trí tuệ Việt kết hợp với tinh hoa công nghệ đầu cuối của thế giới.
Đầu tiên, tôi tập trung vào ngành thực phẩm sạch. Cuối năm tới, tôi sẽ có nước mắm, bột canh, muối, tương ớt… Trong bữa tiệc có gia vị gì thì tôi sẽ làm, chứ các loại nước màu độc hại mà tràn vào Việt Nam, cứ dùng mãi là hại con cháu mình. Tiếp đó là giáo dục và tới là bệnh viện công nghệ cao, chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Tôi làm TH Medical cũng bởi lo cho những người thân của mình, khi không may bị bệnh phải như bao người Việt tốn hàng triệu USD ra nước ngoài chữa bệnh khi các khối u đã phát tác. Một lý do rất cá nhân khác là, tôi từng thi Đại học Y với ước mong gắn bó với ngành y nhưng thiếu điểm, nay muốn thực hiện lại ước mơ. (Cười).
Tôi nghĩ chúng ta cần nghiên cứu, đánh giá thị trường trọng điểm cho các sản phẩm nông nghiệp và xây dựng lộ trình chinh phục các thị trường này; hình thành mô hình nhóm doanh nghiệp “đầu tàu” làm trụ cột và xây dựng các cơ chế, chính sách cần thiết nhằm tạo động lực và phát triển nhóm doanh nghiệp này để dẫn dắt nông dân, cộng đồng và doanh nghiệp trong nông nghiệp – nông thôn. Cũng cần sớm triển khai ngay việc số hóa và hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia ngành nông nghiệp, sớm xây dựng và giám sát bộ tiêu chuẩn quy chuẩn quốc gia đúng thông lệ quốc tế anh ạ.

– Chị nhìn vào bức tranh này đi (TS. Lê Xuân Nghĩa chỉ vào bức tranh trên tường phòng làm việc của bà Thái Hương), vẽ hai con thiên nga nằm trên một dòng suối. Chị có nhớ bài thơ nổi tiếng của Thi Phật Vương Duy: “Đến tận cùng của nước, ngồi nhìn mây bay lên”. Tức là Phật đó. Trong kinh Kim Cương có câu: Nơi nào có hình tướng, nơi đó có sự đánh lừa (Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng). Người có tuệ giác không bị đánh lừa bởi hình tướng. Khi không có hình dáng của đám mây, mà ta nói “đám mây không còn” là không đúng. Đám mây đang còn dưới hình dáng mới của nó, đó là cơn mưa. Thấy được điều đó rồi, ta tiếp xúc được với tự tính của đám mây. Tự tính của đám mây là không sinh, không diệt. Đi đến tận cùng của nước là mây rồi, không có sinh, không có diệt. Tiếp xúc được với tự tính không sinh không diệt, tức là tiếp xúc được với Niết bàn. Niết bàn là sự vắng mặt của sinh và của diệt, của hữu và vô. Tôi thấy chị là người như thế. Dù thế nào cũng sống một đời tự tại và an nhiên.
– Bản ngã tôi sinh ra luôn nhân ái, không thể sống khác được. Sắp tới tôi sẽ làm một khu để nuôi trẻ em lang thang cơ nhỡ đúng nghĩa.
Cuộc sống suy cho cùng là để mỗi ngày tốt đẹp hơn, làm thế nào để cho những người kém may mắn hơn mình đừng có khổ mãi nữa. Tôi không phải là chính trị gia. Tôi vẫn luôn nói với nhân viên của mình: Chị là một hạt cát trong một bãi cát nhưng cố gắng là một hạt cát sạch. Và người nào cũng có quan điểm đó thì cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn. Vì thế nên tôi luôn cảm thấy hạnh phúc anh ạ. Anh có công nhận không?
– Muốn được thì phải cho đi. Tôi nhận thấy một điều, vẫn là điều mà lần trước tôi đã nói: Chỉ có tử tế thì mới có thể đi xa được như thế. Và tôi tin chị sẽ còn đi xa hơn nữa…
Khi bước chân vào ngành sữa, đối mặt với những thị phi, bà Thái Hương khẳng định: “Lịch sử cũng rất công bằng, đến một ngày mọi người sẽ biết tôi làm gì!”. Với con người thì thời gian và sức khỏe là hữu hạn, và con đường ngắn nhất để đạt được hạnh phúc là con đường sự thật. Hôm nay, bà Thái Hương bước sang tuổi 62. Bà vừa được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới nhưng người nữ anh hùng ấy vẫn bình yên, giản dị. Và tôi tin rằng, khi bà làm mọi việc bằng trái tim, bằng sự nhân văn như tâm hồn của một người mẹ, thành quả sẽ rất ngọt ngào… |