Con đường trở thành Anh hùng Lao động của bà Thái Hương

Bảo An 11:29 08-12-2020

Doanh nhân Thái Hương vừa được vinh dự trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Danh hiệu này thực sự xứng đáng cho những cống hiến của nữ doanh nhân xuất sắc và nhiều cá tính này…

Đối mặt với lợi ích của sữa bột truyền thống và búa rìu dư luận

Phẩm chất đầu tiên của anh hùng chính là sự dũng cảm. Và bà Thái Hương là người quyết liệt, dũng cảm hiếm có. Người ta nói, thời thế tạo anh hùng. Cái thời thế “sinh ra” doanh nhân Thái Hương anh hùng chính là năm 2008 khi bà bắt tay gây dựng trang trại bò sữa TH. Dù rằng, trước đó, bà đã là một doanh nhân “có số” khi làm Tổng giám đốc BAC A BANK.

Trước năm 2008 hàng chục năm, bao thế hệ trẻ em, người già Việt Nam quen với việc sử dụng sữa bột. Sữa bột được các doanh nghiệp nhập khẩu rồi chế biến thành sữa bột đóng lon, sữa đặc có đường hoặc sữa dạng lỏng… Trên thế giới, 70% các nước dùng sữa tươi, chủ yếu là những nước phát triển và những nước có ngành chăn nuôi bò sữa phát triển. Ở đó, người ta sử dụng sữa tươi với các tinh chất bổ dưỡng vẹn nguyên của nó. Khi dư thừa, họ lấy đi các chất bổ dưỡng (để làm bơ, pho mai…) rồi sấy khô phần còn lại, bán cho các nước thuộc Thế giới thứ 3. Đáng tiếc, Việt Nam chúng ta nằm trong số đó. Việc sử dụng sữa bột tại Việt Nam trở thành truyền thống, như một điều đương nhiên. Đến mức, do sữa tươi trong nước khan hiếm, người ta cứ nghĩ rằng sữa bột pha với nước chính là sữa tươi (hiện tại trên các vỏ hộp sữa bột pha thành nước dạng này vẫn ghi là “sữa tiệt trùng” khiến khách hàng không để ý sẽ không phân biệt được).

Vào một buổi tối của thời điểm năm 2008 nói trên, bà Tổng giám đốc Ngân hàng Bắc Á Thái Hương ngồi xem truyền hình phát bản tin về trẻ em Trung Quốc nhiễm Melamin gây suy thận, ung thư gan. May mắn là thì trường sữa Việt Nam không có sữa nhiễm Melamin. Tuy nhiên, với tâm thức một người mẹ, bà lo lắng, bồn chồn khi Việt Nam sử dụng đến 92% sữa bột nhập khẩu, trong đó có cả sữa từ Trung Quốc. Ngay tối hôm đó, bà quyết tâm sẽ nuôi bò, làm sữa tươi ngay trong nước.

Vào một buổi tối của thời điểm năm 2008 nói trên, bà Tổng giám đốc Ngân hàng Bắc Á Thái Hương ngồi xem truyền hình phát bản tin về trẻ em Trung Quốc nhiễm Melamin gây suy thận, ung thư gan. May mắn là thì trường sữa Việt Nam không có sữa nhiễm Melamin. Tuy nhiên, với tâm thức một người mẹ, bà lo lắng, bồn chồn khi Việt Nam sử dụng đến 92% sữa bột nhập khẩu, trong đó có cả sữa từ Trung Quốc. Ngay tối hôm đó, bà quyết tâm sẽ nuôi bò, làm sữa tươi ngay trong nước.

Việc gây dựng đàn bò sữa để lấy sữa tươi xuất hiện từ khi những người lính Pháp đặt chân đến Việt Nam. Sau Giải phóng, nhiều dự án phát triển bò sữa thất bại hoặc ở quy mô nhỏ, năng suất, chất lượng không cao. Nỗ lực phát triển đàn bò sữa, kể cả lai tạo con giống để phù hợp với khí hậu nóng ẩm ở nước ta vẫn bất thành. Thế nhưng, bà Thái Hương giải bài toán hóc búa đó cực kỳ đơn giản. Bà ra đầu bài cho thuộc cấp tìm hiểu nước nào có điều kiện tự nhiên tương tự như nước ta nhưng nuôi bò thành công để mua công nghệ. Và đất nước Israel là câu trả lời thuyết phục nhất. Đó là đất nước bán sa mạc, khắc nghiệt hơn nước ta nhiều lần nhưng nuôi bò bằng công nghệ cao, bán sữa khắp thế giới. Ngay lập tức, bà cho lập dự án, chọn lọc công nghệ tân tiến nhất thế giới để thực hiện.

Tuy nhiên, cái khó nhất chính là thuyết phục các lãnh đạo và nhân dân địa phương trong nước cấp đất cho dự án. Việc san phẳng bỏ cây cối, hoa màu chỉ để trồng cỏ, ngô… nuôi bò là chưa có tiền lệ. Sau khi khảo sát một số vùng đất, bà tìm về quê hương của bà – xứ Nghệ – vùng đất mà hè thì gió Lào nắng cháy, đông thì lạnh thấu thịt xương. Để thuyết phục những con người xứ Nghệ phóng khoáng nhưng lại quá ư thận trọng, bà tổ chức nhiều đoàn lãnh đạo, cán bộ lão thành sang thăm mô hình của Israel. Với sự quyết liệt của chính quyền địa phương, đứng đầu lúc đó là ông Phan Đình Trạc (Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương lúc đó là Chủ tịch UBND tỉnh rồi Bí thư Nghệ An) và công tác dân vận tốt, dự án đã được triển khai thần tốc trong năm 2009.

Chỉ hơn một năm sau, vào cuối năm 2010, dòng sữa TH true MILK đã có mặt trên thị trường đúng theo công thức mà bà đúc kết sau này: tài nguyên thiên nhiên Việt + trí tuệ Việt + công nghệ đầu cuối của thế giới. Dòng sữa đó được làm ra từ một hệ thống trang trại khép kín, tự động hóa cấp độ cao. Ở đó, đàn bò sữa hàng nghìn con và liên tục được nhập về, sinh sôi, được lắp chíp để quản lý, được nghe nhạc, tắm mát trong những nhà trại sừng sững. Những cánh đồng cỏ Mỹ, ngô, cao lương, hoa hướng dương… được vận hành bởi những cỗ máy, những cánh tay tưới khổng lồ, khác lạ đã hiển hiện. Rồi việc khánh thành nhà máy chế biến sữa hiện đại bậc nhất thế giời cạnh trang trại đã làm thành một vòng tròn khép kín.

Bà Thái Hương khẳng định TH true MILK là “sữa tươi sạch” rất đúng bản chất nhưng làm nóng mặt nhiều người; trong đó, tất nhiên có cả những doanh nghiệp lâu nay chỉ nhập sữa bột về bán, kiếm lợi nhuận khủng. Họ đặt câu hỏi, “sữa bà sạch thì sữa ai bẩn”. Rồi có dạo, bà tuyên bố TH true MILK “không có đối thủ” khiến dư luận sục sôi, nhiều tờ báo cho bà “ngoa ngôn”, đăng bài phản biện dài kỳ. Mạng xã hội có lúc rộ tin Tập đoàn TH chỉ có vài trăm con bò nhưng quảng cáo vống lên.

Trong sóng gió, va đập, nếu sản phẩm của TH true MILK thực sự tốt lại là một cơ hội rất lớn. Bà Thái Hương liên tục mở cửa trang trại đón khách hàng, quan khách và cả những nhà báo còn nghi ngờ. Những hình ảnh về trang trại TH như một công viên khổng lồ trình diễn công nghệ chăn nuôi hiện đại đã làm choáng ngợp khách tham quan. Con đường đi của TH còn được khẳng định bằng những hội thảo quốc tế về sữa có sự tham gia của những chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu thế giới. Rồi hàng loạt giải thưởng quốc tế mà TH dành được như Trang trại bò sữa quy mô công nghiệp áp dụng công nghệ cao lớn nhất châu Á, sản phẩm đạt giải Nhất, Nhì và giải Xuất sắc, Đặc biệt tại rất nhiều hội chợ, triển lãm thực phẩm uy tín toàn cầu… đã củng cố thêm vị thế của TH true MILK và cá nhân bà Thái Hương.

Về sữa tươi sạch, bà trả lời, nếu doanh nghiệp nào sản xuất được sữa theo quy trình khép kín như TH đang làm, nhất là kiểm soát được bò bị bệnh viêm vú (qua con chip) để loại ra khỏi chuồng vắt là sữa sạch; còn ai chưa đảm bảo quy trình đó là sữa không sạch, bà cũng không muốn động chạm đến ai cụ thể. Còn việc “không có đối thủ” bà không phủ nhận, không rút lại câu nói đó. “TH không theo một lối mòn nào mà mở ra và dẫn lối một hướng đi đột phá nên không có đối thủ trên con đường đó. Tôi nói “không có đối thủ” không phải tôi ngạo mạn mà tôi tự tin, kiêu hãnh về điều mình làm” – bà Thái Hương nói bằng một giọng điệu sang sảng, dứt khoát mà ít đấng mày râu có được trong một cuộc phỏng vấn mới đây.

Tình yêu nước nồng nàn và tinh thần phụng sự vô bờ bến

Thông thường, danh hiệu “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới” được trao cho những chủ doanh nghiệp nhà nước. Luật Thi đua khen thưởng 2003 cũng mang hơi hướng đó khi quy định: “Danh hiệu “Anh hùng Lao động” để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng tạo vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; có đạo đức, phẩm chất cách mạng”.

Nhưng những năm qua, Đảng nhà nước đã có những thay đổi trong công tác thi đua khen thưởng. Nhiều cá nhân, tập thể thuộc lĩnh vực tư nhân đã được phong Anh hùng lao động vì họ đã cống hiến, tạo động lực cho nền kinh tế – xã hội cho đất nước.

Với bà Thái Hương, nhiều tài liệu, ý kiến của các cấp chính quyền, chuyên gia đã ghi nhận, ngợi ca tinh thần dân tộc ở bà. Bản thân bà cũng không dấu cái khát vọng mong muốn đó. Mục tầm nhìn và xứ mệnh trên trang web của Tập đoàn TH được mở đầu như sau: “TH là một tập đoàn doanh nhân yêu nước. Đặt lợi ích riêng của Tập đoàn trong lợi ích chung của quốc gia, không tìm cách tối đa hóa lợi nhuận mà hợp lý hóa lợi ích”.

Điểm lại những đóng góp cho cộng đồng, bà Thái Hương không nhấn mạnh đến doanh thu, đến số thuế mà TH đóng góp cho Nhà nước… mà là việc bà khởi xướng và dẫn đường cho cuộc cách mạng sữa tươi tại Việt Nam. “Từ khi TH ra đời, người tiêu dùng đã được uống sữa tươi thực sự, sữa tươi tiêu chuẩn quốc tế. Một cánh én không làm nên mùa xuân, một mình TH không thể sản xuất sữa đủ cho người Việt sử dụng mà cần các doanh nghiệp khác cùng làm và đi theo con đường này. Điều tôi thấy giá trị nhất là tôi đã tạo ra một bước đột phá, dẫn lối cho việc đó” – bà Thái Hương nói. Theo con số thống kê, năm 2008, khi TH chưa ra đời, 92% sữa trên thị trường là sữa bột pha lại, đến nay tỷ lệ sữa bột pha lại đã giảm xuống còn 60%.

Một việc hệ trọng khác có công sức đóng góp lớn của bà Thái Hương chính là chương trình Sữa học đường Quốc gia. Việc đưa sữa vào trường học đã có từ lâu nhưng cũng như trên thị trường tràn lan sữa bột, sữa vào trường học trước đây vẫn là sữa bột pha lại, thậm chí nhiều trường hợp là sữa bột phẩm cấp thấp. Và bà Thái Hương đã có đóng góp quan trọng khi khởi động chương trình này trên quy mô lớn. Đặc biệt, bà Thái Hương đã góp ý kiến và kiên quyết bào vệ tại nhiều cuộc họp yêu cầu sữa học đường phải có tiêu chuẩn, quy chuẩn và phải là sữa tươi như các nước phát triển. Hiện nay, tiêu chuẩn sữa học đường quốc gia được ban hành đã quy định bắt buộc sử dụng sữa tươi.

Vừa qua, chúng tôi có dịp quay lại khu vực trang trại TH tại Nghĩa Đàn, Nghệ An. Trên những cánh đồng trống trải dọc hai bên đường Hồ Chí Minh gần trang trại, nhà máy của TH trước đây bây giờ là những dãy nhà, hàng quán, nhà nghỉ, khách sạn. Nhiều chủ các căn nhà đó là công nhân nông trường giờ trở thành công nhân cho TH hoặc là những nông dân còn đất trồng ngô bán nguyên cây cho trang trại TH có thu nhập gửi ngân hàng hoặc mở thêm quán xá.

Chúng tôi cũng đã đến nhiều khu vực khác như nhà máy chế biến hoa quả và thảo dược Vân Hồ của TH đóng ở huyện Vân Hồ, Sơn La. Chính quyền, đặc biệt là nông dân trồng nhãn, trồng cam, chanh leo… đang đứng trước cơ hội được tiêu thụ nông sản ổn định, ngay tại chỗ. Còn bà Thái Hương sẽ tiếp tục con đường làm giàu cùng nông dân, đưa nông sản Việt chiếm lĩnh thị trường Việt và xuất khẩu ra thế giới.

Ở góc độ khoa học nông nghiệp, bà Thái Hương có lẽ đã có một thiên tư, tiềm lực khiến cho các nhà khoa học ngả mũ khi đã chăn nuôi bò sữa quá thành công. Từ chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại công nghệ cao đến nuôi bò chăn thả trên cánh đồng cỏ theo tiêu chuẩn organic cao nhất trên thế giới bà đều vận hành được. Có lẽ, chẳng ai ngờ, có một ngày, bà Thái Hương lại đại diện cho Việt Nam xuất khẩu công nghệ chăn nuôi bò sữa sang tận Liên Bang Nga với dự án chăn nuôi bò sữa trị giá 2,7 tỷ USD, lớn nhất xứ sở Bạch Dương. Vinh dự đó của bà Thái Hương tất nhiên cũng là một điểm cộng cho hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.

TH hiện trở thành một tập đoàn sản xuất sữa tươi và thực phẩm sạch lớn mạnh chỉ sau khoảng 10 năm. Đó là một tốc độ phải nói là khủng khiếp bới các tập đoàn tư nhân trên thế giới mất nhiều năm hơn thế, qua đời ông bà đến cháu mới hoàn thiện. Giờ đây bà đang ở vai trò người dẫn dắt và truyền cảm hứng cho lớp lớp lao động tập đoàn TH và những người nông dân nơi TH đặt chân. Bước chân của bà vẫn không mỏi đi về những vùng gian khó nhất. Ở đó, những cây cổ thụ cần được giữ nguyên, phía dưới tán rừng, người nông dân sẽ cùng làm giàu với TH bằng việc trồng thảo dược quý của dân tộc. Nước mưa vẫn trong veo, róc rách dưới những tán rừng như thế. Có lẽ, đó làm cảm hứng làm chúng ta dễ lay động, nghẹn ngào trong một mùa bão lũ, sạt lở, tang thương như hiện nay.

Anh hùng Lao động cần có những tiêu chuẩn gì?
Quyết định 38/1999/QĐ-TTG quy định về đối tượng và tiêu chuẩn danh hiệu Anh hùng Lao động và Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ đổi mới nêu tiêu chuẩn chung đối với Anh hùng như sau: Trung thành với Tổ quốc, với chủ nghĩa xã hội. Có hành động anh hùng (dám nghĩ, dám làm) lập được thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động chân tay hoặc lao động trí óc, trong chiến đấu, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Tiêu biểu cho thành tích thi đua yêu nước của nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ đổi mới. Là tấm gương mẫu mực về mọi mặt của đơn vị, địa phương, của ngành; được đồng nghiệp, đơn vị và nhân dân địa phương thừa nhận, suy tôn.

Tiêu chuẩn cụ thể đối với cá nhân Anh hùng lao động bao gồm:

  • Có tinh thần dám nghĩ, dám làm, lao động sáng tạo, dũng cảm, quên mình đạt năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả công tác cao nhất tỉnh, thành phố và ngành (cùng tính chất công việc và cùng ngành, nghề); đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đơn vị, địa phương, ngành và đất nước.
  • Có nhiều thành tích trong công tác nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới: có sáng kiến cải tiến hoặc giải pháp có giá trị, có sản phẩm, công trình khoa học, hoặc có tác phẩm sáng tạo văn học và nghệ thuật nổi tiếng, có giá trị đặc biệt; được ứng dụng trong sản xuất, công tác đem lại hiệu quả cao về kinh tế, xã hội.
  • Có trình độ chính trị và chuyên môn, nghiệp vụ giỏi. Có công lớn trong việc bồi dưỡng, đào tạo cho đồng nghiệp và thế hệ trẻ, hoặc trong việc hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh cho địa phương, cho ngành.
  • Có tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy với công việc, thực hành cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư. Chấp hành nghiêm chỉnh chính sách của Đảng và Pháp luật của Nhà nước. Nêu cao tinh thần hợp tác tương trợ; là hạt nhân xây dựng sự đoàn kết nhất trí trong tập thể. Là tấm gương trong xây dựng cuộc sống gia đình có văn hóa.